Có thể nói rằng Trần Trọng Kim là một học giả uyên bác của Việt Nam trong thế kỷ 20. Ông đã để lại cho hậu thế những công trình quan trọng, những bài viết, những cuốn sách về văn hóa lịch sử của dân tộc Việt. Tôi thích đọc sử của Trần Trọng Kim, vì ông viết sử một cách khách quan, không phải sử của bên thắng cuộc, chỉ biết ca ngợi một chiều. Các sự kiện lịch sử dưới ngòi bút của Trần Trọng Kim được mô tả đúng bản chất, không thêm thắt, tuy có lúc ông cũng đưa thêm luận bàn ý kiến cá nhân. Trần Trọng Kim cũng là một nhân chứng lịch sử trong giai đoạn đầu thế kỷ 20 đầy biến loạn tại đất nước hình chữ S này.
Nước Việt Nam từ thuở đầu thành lập bởi vua Triệu Đà (Triệu Vũ Vương) từ năm 207 trước Công nguyên đến nay đã được hơn hai nghìn năm. Trải qua các cuộc chiến tranh liên miên, từ chống giặc ngoại xâm, đến các cuộc nổi dậy của dân chúng chống lại chính quyền, cho đến các cuộc tàn sát huynh đệ tương tàn để tranh giành ngôi báu, gia tài của Việt Nam chỉ còn ghi lại dấu ấn bạo lực trong con người Việt Nam hiện nay.
Chế độ phong kiến cuối cùng của Việt Nam là đời Nguyễn. Nguyễn Ánh (Nguyễn Vương Ánh) đã đánh bại nhà Tây Sơn để thống nhất giang sơn lập ra nhà Nguyễn vào năm 1802. Nguyễn Ánh lên ngôi, xưng là Thế Tổ, niên hiệu là Gia Long, đặt tên nước là Việt Nam, từ nam ra bắc chia làm 23 trấn và 4 doanh, đóng đô tại Huế. Cũng như các đời vua của Việt Nam trước đây xin làm chư hầu của Trung Quốc, năm 1806, nhà Thanh bên Trung Quốc đã sai sứ sang Việt Nam phong vương cho Nguyễn Ánh. Từ đây, triều Nguyễn tiếp tục triều cống Trung Quốc giống như các đời vua Việt trước.
Trước đó, để chiến đấu chống lại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã nhờ cậy Pháp cung cấp viện binh, vũ khí qua trung gian là ông Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine), một giáo sĩ Công giáo người Pháp. Nguyễn Ánh đã cho con trai cả của mình là Thái tử Cảnh làm con tin, đi sang Pháp cùng với Bá Đa Lộc, kết quả là Hiệp ước năm 1787 được ký kết giữa nhà Nguyễn và Pháp, với điều khoản Pháp cung cấp tàu chiến, quân lính… giúp đỡ nhà Nguyễn, đổi lại nhà Nguyễn nhường đứt Hội An và Côn Đảo cho Pháp, người Pháp được tự do đi lại buôn bán tại nước Việt.
Sau khi Nguyễn Ánh chết, các đời vua Nguyễn sau đã không còn ủng hộ đạo Công giáo nữa. Vua Minh Mạng lên ngôi, bắt đầu cấm đạo Công giáo, cắt đứt quan hệ với nước Pháp. Tới đời vua Thiệu Trị, các giáo sĩ đều bị bắt giam, giáo sĩ Lefèbvre bị án tử. Đến năm 1847, Pháp cho người sang điều đình với nhà Nguyễn để xin bỏ chỉ dụ cấm đạo nhưng không thành. Đời vua Tự Đức, sự bách hại Công giáo đã lên đến đỉnh điểm. Vua Tự Đức đã giết hại rất nhiều giáo sĩ như Bonard, Charbonier, Matheron, và Diaz. Năm 1856, Pháp cho người sang đưa thư yêu cầu nhà Nguyễn cho phép tự do giảng đạo, nhưng nhà Nguyễn không tiếp. Pháp mới quyết định mang lính sang đánh Việt Nam. Bàn luận về điều này, Trần Trọng Kim có nói: “Ấy cũng tại vua quan mình làm điều trái đạo, giết hại những người theo đạo Gia-tô cho nên mới có tai biến như vậy”.
Chiến tranh giữa Pháp và Việt Nam bắt đầu vào năm 1858 khi hải quân trung tướng Rigault de Genouilly đem 14 tàu chiến và 3000 quân sang đánh nhà Nguyễn. Cuộc chiến kéo dài mấy năm kết thúc bằng Hiệp ước Nhâm Tuất vào năm 1862, với kết quả nhà Nguyễn phải nhường đứt các tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cho Pháp, cho phép giảng đạo tự do, và phải bồi thường phí chiến tranh cho Pháp. Trong đó có một khoản quan trọng, gần như chịu bảo hộ của nước Pháp, đó là hễ nước Việt Nam có giao thiệp với nước nào khác thì phải cho chính phủ Pháp biết, và khi nào muốn nhường đất cho nước nào, thì phải tùy ý nước Pháp có thuận cho mới được.
Sau khi bị Pháp đánh chiếm thành Hà Nội, nhà Nguyễn phải ký Hiệp ước Giáp Tuất năm 1874, được Pháp công nhận độc lập, không phải thần phục nước nào nữa (ý nói không còn là nước chư hầu của Trung Quốc nữa), phải theo chiến lược ngoại giao của Pháp, nhường đứt 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp. Việt Nam chính thức nằm dưới sự bảo hộ của nước Pháp bằng Hiệp ước Quý Mùi năm 1883 sau khi Pháp đánh thẳng vào Thuận An khiến triều đình Nguyễn phải xin hàng. Điều khoản đầu tiên trong hiệp ước đã khẳng định nước Việt Nam chịu nhận nước Pháp bảo hộ, có việc gì giao thiệp với ngoại quốc thì phải do nước Pháp chủ trương. Dưới sự bảo hộ của Pháp, Bảo Đại là vị vua cuối cùng của triều Nguyễn.
Chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra giữa hai bên, một bên đứng đầu là Anh, Pháp, Mỹ, còn bên kia là Đức, Ý , Nhật. Năm 1940, Nhật đổ quân vào Việt Nam theo thỏa thuận giữa Nhật và Pháp, bắt đầu tiến hành chiếm đóng Đông Dương, đồng thời chiếm đóng bán đảo Mã Lai. Hơn 4 năm đóng ở Đông Dương, quân Nhật không khiêu khích gì quân Pháp. Nhưng khi quân Anh, Mỹ đã tấn công Nhật ở Thái Bình Dương, lấy lại các đảo và Phi Luật Tân, dồn Nhật vào thế nguy cấp, do đó, Nhật đã tiến công Pháp tại Đông Dương vào ngày 10 tháng 3 năm 1945, vì Đông Dương là địa thế rất quan trọng về quân sự vùng Nam Á.
Ngay khi Nhật lật đổ Pháp tại Việt Nam, vua Bảo Đại đã tuyên bố độc lập, thành lập Đế quốc Việt Nam vào ngày 11 tháng 3 năm 1945. Tuyên bố viết: “Chánh phủ Việt Nam nay thủ tiêu điều ước bảo hộ của Pháp đối với Việt Nam và Đế quốc Việt Nam tuyên bố đã hồi phục sự độc lập. Đế quốc Việt Nam từ nay về sau sẽ gắng sức phát triển như một nước Độc lập và lấy tư cách là một phần tử của Đông Á, sẽ thực hiện nền thịnh vượng chung và sự tồn tại chung của Đại Đông Á theo đúng với nguyên tắc của bản tuyên cáo chung của nước Đại Đông Á. Đế quốc Việt Nam tuyên bố ý muốn cộng tác tận tâm tận lực với Đế quốc Nhựt, và tin tưởng vào lòng chân thành của nước Nhựt để thực hiện những mục đích nói trên.”
Ngày 7 tháng 4 năm 1945, Trần Trọng Kim yết kiến vua Bảo Đại. Bảo Đại đã nói với Trần Trọng Kim rằng trước kia Pháp giữ quyền bảo hộ Việt Nam, nay không giữ được, để Nhật đánh đổ, nên Hiệp ước không còn hiệu lực, và mời Trần Trọng Kim đứng ra thành lập chính phủ. Ngày 17 tháng 4, Trần Trọng Kim đã trình danh sách cho vua Bảo Đại, gồm, Trần Trọng Kim, Nội Các Tổng Trưởng (tương đương chức Thủ Tướng hiện nay); Trần Đình Nam, Nội Vụ Bộ Trưởng; Trần Văn Chương, Ngoại Giao Bộ Trưởng; Trịnh Đình Thảo, Tư Pháp Bộ Trưởng; Hoàng Xuân Hãn, Giáo Dục và Mỹ Nghệ Bộ Trưởng; Vũ Văn Hiền, Tài Chánh Bộ Trưởng; Phan Anh, Thanh Niên Bộ Trưởng; Lưu Văn Lang, Công Chính Bộ Trưởng; Vũ Ngọc Anh, Y Tế Bộ Trưởng; Hồ Bá Khanh, Kinh Tế Bộ Trưởng; Nguyễn Hữu Thi, Tiếp Tế Bộ Trưởng. Khi Trần Trọng Kim gặp vua Bảo Đại trình danh sách thì đã thấy ông Yokohama, cố vấn tối cao Nhật ngồi ở đó với Bảo Đại. Sau khi Trần Trọng Kim trình danh sách, ông Yokohama đã nói với Trần Trọng Kim cho xem danh sách, rồi trả lại ông, sau khi nói: “Tôi chúc mừng cụ đã chọn được người rất đứng đắn”. Theo hồi ký Trần Trọng Kim thì sự thực là ông tự chọn danh sách nội các, không bị bắt buộc theo ý của người Nhật. Cho dù không có Bộ Quốc Phòng do Nhật đã phụ trách việc phòng bị, tuy nhiên, Trần Trọng Kim cũng thành lập Bộ Thanh Niên, lập ra các đạo thanh niên tiền tuyến, để một ngày kia thành những đội quân có tinh thần mạnh mẽ.
Tuy nhiên, cục diện đã xoay chiều nhanh chóng khi Hoa Kỳ đã thả hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, tại Hiroshima ngày 6 tháng 8, và tại Nagasaki vào ngày 9 tháng 8 năm 1945, buộc Nhật Bản phải đầu hàng vô điều kiện phe đồng minh vào ngày 15 tháng 8 năm 1945. Ngay khi Nhật Bản đầu hàng, Việt Minh đã đứng dậy chiếm chính quyền trong khắp cả nước, buộc Bảo Đại thoái vị vào ngày 25 tháng 8 năm 1945, chấm dứt sự tồn tại của Đế quốc Việt Nam.
Về sự kiện này, Trần Trọng Kim đã viết trong Việt Nam sử lược như sau: “Từ khi có cuộc đại chiến lần thứ hai, nước Pháp bại trận, bị nước Đức chiếm cứ, quân Nhật Bản ở bên Tàu sang đánh Lạng Sơn rồi ký hiệp ước với người Pháp cho người Nhật được đóng quân ở Đông Pháp. Đến ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân Nhật đánh quân Pháp và giao quyền nội trị lại cho vua Bảo Đại. Được mấy tháng thì quân Đồng minh thắng trận, Nhật Bản đầu hàng. Đảng Việt Minh (Việt Minh là tên gọi tắt một đảng cách mệnh gọi là Việt Nam Độc lập Đồng minh do đảng Cộng sản lập ra khi còn ở bên Quảng Tây, bên Tàu, để tránh hai chữ Cộng sản cho người ta khỏi ngờ) dưới quyền lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc, đổi tên là Hồ Chí Minh, thừa cơ nổi lên cướp quyền, vua Bảo Đại phải thoái vị và nhường quyền cho đảng Việt Minh.”
Chỉ vài câu tóm tắt của Trần Trọng Kim nhưng ẩn chứa rất nhiều điều.
Nguồn:
[1]. Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, NXB Văn học, 2018.
[2]. Một cơn gió bụi, Trần Trọng Kim, 1949.
Nguồn ảnh: wikimedia
[1]. Trần Trọng Kim.
[2]. Đế quốc Việt Nam tuyên bố độc lập, báo Sài Gòn ngày 13 tháng 3 năm 1945.