Từ nhỏ, tôi đã được học các truyền thuyết về vua Hùng, nỏ thần Kim Quy với mối tình Trọng Thủy Mỵ Châu, Sơn Tinh Thủy Tinh, Thánh Gióng, và truyền thuyết vợ chồng Âu Cơ – Lạc Long Quân đẻ ra 100 quả trứng, nở ra 100 con trai; 50 con theo mẹ, 50 con theo cha, chia nhau lên rừng xuống biển, lập nên nước Việt Nam. Ngày hôm nay, ngày giỗ của vua Hùng, chẳng biết làm gì vì được nghỉ nguyên một ngày, rảnh rỗi sinh nông nổi, nên tìm hiểu ông Hùng này là ai?
Bây giờ không bàn về truyền thuyết nữa, cho nên tôi sẽ không nhắc đến tác phẩm Lĩnh Nam Trích Quái là truyện sáng tác hoang đường về lịch sử nước Việt. Tôi sẽ nói đến bộ sách sử đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đó là An Nam Chí Lược1 của Lê Tắc. Lê Tắc, tự Cảnh Cao, hiệu Đông Sơn, người Thanh Hóa, làm quan hầu cận hoàng tôn Chương Hiến hầu Trần Kiện. Năm 1285, khi Mông Cổ đánh Việt Nam, Trần Kiện bại trận dưới tay Toa Đô, bị điệu về Bắc Kinh. Khi đoàn tù xa đi tới Lạng Sơn, quân Trần chặn đánh, Trần Kiện chết, Lê Tắc chạy sang Trung Quốc. Bộ sử này viết từ các đời Tam Quốc bên Tàu, rồi những người Tàu sang Việt Nam, đến thời Triệu Đà, rồi đến các đời vua sau này. Không hề có bất cứ chữ nào nhắc đến vua Hùng hay Hùng Vương.Bộ sử hoành tráng tiếp theo phải kể đến, đó là Đại Việt Sử Ký1 của Lê Văn Hưu vào cuối thế kỷ thứ 13, có 30 quyển, chép sử từ thời vua Triệu Đà (năm 207 trước Công Nguyên) cho đến vua Lý Chiêu Hoàng (năm 1224 sau Công Nguyên). Lê Văn Hưu, hay Lê Hưu, quán làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là một nho sĩ nhà Trần, đỗ bảng nhãn năm 18 tuổi, làm sử quan thời vua Trần Thái Tông. Ông viết Đại Việt Sử Ký từ đời vua Trần Thái Tông (1225-1258) tới đời vua Trần Thánh Tông (1258-1278) mới xong. Đại Việt Sử Ký cũng giống An Nam Chí Lược, hoàn toàn không nhắc đến Hùng Vương hay vua Hùng.
Công lao to nhất trong việc đưa Hùng Vương vào chính sử phải dành cho Ngô Sĩ Liên. Ngô Sĩ Liên, quán làng Chúc Lý, huyện Chương Đức (nay là Chương Mỹ, Hà Đông), đã đỗ Đồng tấn sĩ, làm Đô Ngự sử rồi giữ chức Lễ Bộ Tả Thị Lang thời vua Lê Thánh Tông. Ngô Sĩ Liên, khi viết Đại Việt Sử Ký Toàn Thư vào năm 1479, ông đã dựa vào Phan Phu Tiên và Lê Văn Hưu rồi viết thêm vào. Ông thêm vào phần lịch sử trước thời Triệu Đà, bắt đầu từ thời Hồng Bàng. Với mục đích phải viết nước Việt Nam sánh ngang bằng với nước Tàu, nên ông viết1: “Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ Lãnh, là hạn giới thiên nhiên giữa nam, bắc. Thủy tổ nước Việt vốn dòng dõi Thần Nông, một vị chơn chúa do Trời tạo ra, nhờ vậy mới được thống trị một phương cũng như các vua triều Bắc”.
Về Hùng Vương, Ngô Sĩ Liên viết2: “Lạc Long Quân nối đời Hồng Bàng, lấy con gái họ Âu Lạc mà có điềm lành sinh trăm con trai… Hùng Vương nối nghiệp của Lạc Long… con cháu nối đời đều gọi là Hùng Vương, phúc gồm 18 đời, trải hơn hai nghìn năm…”
Bây giờ ta xem các nhân vật lịch sử nói gì về Hùng Vương. Ai trong chúng ta ai mà không biết đến Bình Ngô Đại Cáo do Nguyễn Trãi viết vào năm 1428, một bản tuyên bố đanh thép về nền độc lập, sau khi Lê Lợi thắng quân Minh. Nguyễn Trãi viết3: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt chỉ vì khử bạo. Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác. Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, gây nền độc lập; cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương. Dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có.” Triệu ở đây là Triệu Đà, Nguyễn Trãi đã dẫn chứng Triệu Đà gây dựng nền độc lập đầu tiên, ngang hàng với nước Hán của Trung Quốc. Nếu Nguyễn Trãi coi Hùng Vương là vua nước Việt, thì chắc hẳn ông đã ghi tên Hùng Vương vào trong tuyên ngôn Bình Ngô Đại Cáo. Tôi xin mạo phạm sửa câu của Nguyễn Trãi thành “Từ Hùng, Triệu, Đinh, Lý, Trần gây nền độc lập; cùng Chu, Hán, Đường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương.” Ôi, viết xong câu này quả là sung sướng lên mây. Có ai biết tiếng Hán của Trung Quốc không? Sửa giùm tôi bài Bình Ngô Đại Cáo trên wiki để có thể mang Hùng Vương sánh vai với cường quốc Chu trên toàn thế giới?
Ngược dòng lịch sử, hơn một trăm bốn mươi năm trước, để thúc đẩy tinh thần chiến đấu giết giặc Mông Cổ, năm 1284, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã viết bài Hịch Tướng Sĩ, tôi xin trích nội dung3: “Ta thường nghe chuyện: Kỷ Tín liều thân chịu chết cho vua Cao Đế; Do Vu lấy mình đỡ ngọn giáo cho vua Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than để báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay để cứu nạn cho nước; Kinh Đức là một chức quan còn nhỏ, mà liều thân cứu vua Thái Tông được thoát vòng vây; Kiều Thanh là một bề tôi ở xa, mà kể tội mắng thằng Lộc Sơn là quân nghịch tặc.” Toàn là người Tàu, toàn là các địa danh của Trung Hoa, không có bất cứ gì liên quan đến Việt Nam. Sao Trần Hưng Đạo lại không viết: “Ta thường nghe chuyện: Mười tám đời Hùng Vương dựng nên nước Việt hùng mạnh hùng cứ một phương; Phù Đổng Thiên Vương mới chỉ ba tuổi đã biết cưỡi ngựa sắt, vung roi sắt đánh tan giặc Ân, rồi cưỡi ngựa bay lên trời hóa Thánh Gióng; Triệu Đà vì chiếm không được nhà Thục nên phải cho con trai Trọng Thủy làm mỹ nhân kế lấy Mỵ Châu, ăn cắp lẫy nỏ thần, làm An Dương Vương mất nước; Thủy Tinh vì mất gái đẹp Mỵ Nương vào tay Sơn Tinh nên quyết đấu không đội trời chung với Sơn Tinh, giữ mối thù truyền kiếp hàng ngàn năm?” Thật là một thiếu sót rất lớn. Đối với binh sĩ Việt, há chẳng có gì động viên tốt hơn là các câu chuyện nói về vua dân nước Việt hay sao?
Các nhà sử học Việt Nam, một mặt vẫn viết Hùng Vương trong lịch sử, mặt khác vẫn rón rén khẽ khàng đề đạt sự vô lý về Hùng Vương. Trần Trọng Kim đã viết3: “Xét từ đời Kinh Dương Vương đến đời vua Hùng Vương thứ 18, cả thảy 20 ông vua, mà tính từ năm Nhâm Tuất (2789) đến năm Quý Mão (258) thì vừa được 2622 năm. Cứ tính hơn bù kém, mỗi ông vua trị vì được non 150 năm! Dẫu là người thượng cổ nữa, thì cũng khó lòng mà có nhiều người sống lâu đến vậy. – Xem thế thì đủ biết chuyện đời Hồng Bàng không chắc là chuyện xác thực”.
Ngay cả đến Ngô Sĩ Liên, người “hợp thức hóa” Hùng Vương, khi viết Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng không chắc mình viết đúng sự thật. Ông cảm thán1: “Rủi thay, nước ta thiếu sử. Hồi xưa, biết các việc chỉ do nơi khẩu truyền mà thôi. Sách thì toàn truyện hoang đường, lắm sự lại bị lãng quên còn những bản sao thì thất thiệt hay lộn xộn rườm rà, mỏi mắt người đọc. Làm sao xem xét cho được?”
Còn hậu bối của Ngô Sĩ Liên, ông Ngô Thời Sỹ (1726-1780), viết trong cuốn Việt Sử Tiêu Án4, về cái thời đại Hùng Vương rằng; người ta không phải là vàng đá, sao sống lâu được như thế? (mỗi vua hơn 120 tuổi), điều ấy lại càng không thể hiểu được.
Lê Quý Đôn (1726-1783), tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường, đậu tiến sĩ, làm quan đến hình bộ thượng thư, phong tước hầu, sống trong thời hậu Lê đến thời chúa Trịnh, cũng phản bác sự tồn tại của Hùng Vương. Trong tác phẩm Vân Đài Loại Ngữ, ông nói5: “Tôi xét đời Hùng vương, trên nối đời Hồng bàng, không có chữ nghĩa gì truyền lại; về 15 bộ đặt ra thời đó, cùng với các quận huyện do nhà Hán, nhà Ngô mới đặt ra, tên gọi lẫn lộn; tôi ngờ rằng, những tên đó là do các hậu nho góp nhặt vay mượn chép ra, thật không phải thực lực.” Hậu bối góp nhặt rồi sáng tác ra lịch sử thật hay quá.
Bộ sử khổng lồ của triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục6, viết vào thời vua Tự Đức, từ năm 1856 đến năm 1881, và in xong vào năm 1884, do rất nhiều Đại Học Sĩ như Phan Thanh Giản, Lê Bá Thận, Phạm Huy, Bùi Ước, Nguyễn Tư Giản và Phạm Thận Duật biên soạn, cũng nghi ngờ về Hùng Vương. Sách viết: “Sử cũ phần Ngoại Kỷ chép Hồng Bàng thị bắt đầu từ Kinh Dương Vương thụ phong năm Nhâm Tuất (2879 trước Công Nguyên?) cùng thời với Đế Nghi, truyền đến Hùng Vương đời cuối cùng là năm Quý Mão (258 trước Công Nguyên?), tức năm thứ năm mươi bảy đời Noãn Vương nhà Chu thì mất nước, tất cả là 2622 năm. Sự đó không biết sử cũ khảo cứu ở đâu, bây giờ cũng hãy cứ chép lại để phòng khi tra xét".
Tác giả Hoàng Thúc Trâm đã phân tích cặn kẽ, giải thích chi tiết và đã đi đến kết luận rằng: Các câu chuyện được sáng tác và lưu truyền trong dân gian, từ miệng người này qua miệng người kia, nhà văn thấy hay quá, bèn “tiểu thuyết hóa”, chép vào thành sách Lĩnh Nam Trích Quái. Rồi mấy nhà sử học đời sau như Ngô Sĩ Liên lại “chính sử hóa” mà chép vào sử, lưu lại cho con cháu muôn đời7. Thật là quý hóa quá.
Lĩnh nam trích quái8, không rõ tác giả, tương truyền là của Trần Thế Pháp, là một tập truyền thuyết ghi lại từ những truyện cổ tích truyền miệng trong dân gian từ rất lâu đời, được hai người sống cùng thời tập hợp lại và hiệu chỉnh lần đầu tiên đó là Vũ Quỳnh (năm 1492) và Kiều Phú (năm 1493). Trong lời tựa, Vũ Quỳnh đã viết: “Ôi, việc lạ có nhiều, đặt ra các truyện không cần phải đục vào đá, khắc vào gỗ mà rõ ở lòng dân, bia ở miệng người, tôi bèn quên mình là hẹp hòi quê hủ, đem so sánh, đính chính lại, để cho trong nhà, đọc cho tiện.” Còn Kiều Phú thì chép như sau: “Nước Việt ta, về khoảng thời gian trước đời Thập nhị sứ quân, tài liệu giấy tờ không còn đủ để chứng thực. Việc tuy huyền hoặc nhưng truyền lại rõ ràng, đem mà nói cho rõ ra chẳng cũng nên ư? Nhưng mà bảo thần Tản Viên là con trai Âu Cơ, Đổng Thiên Vương tức là Long Quân, Lý Ông Trọng nói dối là đi tả mà chết, tôi dám cho là không đúng.” Vũ Quỳnh và Kiều Phú quả là những nhà viết sử chân chính, cái nào có nói có, cái nào không nói không; chẳng phải như Ngô Sĩ Liên kia, sáng tác ra sử, để truyền cái sai lại cho con cháu muôn đời.
Chính vì sáng tác ra Hùng Vương nên hậu sinh khả úy tam sao thất bản mỗi người sáng tác ra một kiểu. Trong 2622 năm thời đại Hùng Vương ấy thì Trần Trọng Kim nói có 20 đời vua, còn Nguyễn Đạo Quán thì nói chỉ có 18 đời vua thôi, thật chẳng biết thế nào mà lần.
Nhưng lý do gì mà truyền thuyết biến thành chính sử như vậy? Nhà sử học Nguyễn Phương đã không rào trước đón sau mà nói thẳng. Đó là việc Ngô Sĩ Liên đã lấy sử Tàu làm sử Việt, từ Sử Ký Tư Mã Thiên. Hùng Vương có 18 đời ở nước Sở, bên Tàu. Hùng Dịch sống ở đời Chu Thành Vương. Từ Hùng Dịch, có 18 đời vua Hùng theo thứ tự như sau: Hùng Dịch, Hùng Nghệ, Hùng Đán, Hùng Thăng, Hùng Dương, Hùng Cừ, Hùng Mậu, Hùng Nghi, Hùng Tuận, Hùng Chi, Hùng Diên, Hùng Dũng, Hùng Nghiêm, Hùng Sương, Hùng Tuấn, Hùng Ngạc, Hùng Khản, và Hùng Thông. Và Ngô Sĩ Liên còn phóng khoáng để sử Việt vượt quá cả sử Tàu, cho thời đại Hùng Vương của Việt còn trước cả vua Phục Hi bên Tàu, cai trị từ 2858 đến 2737 trước Công Nguyên9. Thế cho nên Việt Nam mới có đến 4 ngàn năm lịch sử là vậy.
Nhưng, Hùng Vương có quan trọng không? Tôi thì chẳng cho là quan trọng. Tuy vậy, vẫn có học sinh tìm hiểu về Hùng Vương, và bạn đặt câu hỏi: “Hùng Vương họ gì?” Câu hỏi không khó nhưng rất khó trả lời. Có lẽ câu trả lời có trách nhiệm nhất thuộc về Nguyễn Lân Dũng, khi ông nói10: “Thật ra 18 đời vua chỉ là con số biểu trưng, có nghĩa nhiều đời, truyền nối lâu dài. Không ai biết được 18 đời Vua Hùng có tên là gì đâu, đừng cất công tìm vô ích.”
Nếu bạn học sinh kia tìm hiểu thêm nữa, bạn sẽ thấy lớp hậu sinh khả úy sáng tác ra mười tám vị vua Hùng có họ tên đoàng hoàng11. Hùng Vương thứ nhất là vua Kinh Dương Vương, húy là Lộ Tục, trị vì 215 năm, thọ 260 tuổi. Rồi ông nhường ngôi cho Hùng Hiền Vương, tức là Lạc Long Quân, trị vì 400 năm. Vua Hùng thứ 7, Hùng Chiêu Vương, trị vì 200 năm. Hùng Vương cuối cùng, tức là vua thứ mười tám, đó là Hùng Duệ Vương, trị vì 86 năm. Mười tám đời nối ngôi làm vua, từ năm Nhâm Tuất vua Kinh Dương Vương thứ nhất, đến năm Quý Mão, vua Hùng thứ mười tám, tổng cộng 2622 năm.
Nhưng thôi, tìm hiểu làm gì cho mất thời gian, hãy như tôi, chỉ cần biết ngày xửa ngày xưa, xưa rồi, xưa lắm, xưa ơi là xưa, có một ông vua tên là Hùng Vương, không rõ họ. Thế thôi. Và điều quan trọng nhất, nhờ ông này mà người lao động thân yêu của chúng ta được hưởng một ngày nghỉ hưởng nguyên lương.
Ôi! Cám ơn vua Hùng! Cám ơn Hùng Vương!
Nguồn:
[1] Sử Liệu Việt Nam, Tập 1, Tuần Lý Huỳnh Khắc Dụng, Nha Văn Hóa Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1959.
[2] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập 1, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1998.
[3] Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, Nhà xuất bản Văn Học, 2018.
[4] Việt Sử Tiêu Án, Ngô Thời Sỹ, Văn Hóa Á Châu Xuất Bản, 1960.
[5] Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, 2006.
[6] Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Tập 1, Viện Sử Học, Nhà xuất bản Giáo Dục, 2007.
[7] Lịch sử xã hội Việt Nam, Tập 1, Hoàng Thúc Trâm, Nhà xuất bản Thế Giới, 1950.
[8] Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Tập 2, Trần Văn Giáp, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1990.
[9] Việt Nam Thời Khai Sinh, Nguyễn Phương, Viện Đại Học Huế, Nhà In Sao Mai, 1965.
[10] Vua Hùng họ gì? Báo Điện Tử Tri Thức Trực Tuyến
[11] Sự tích mười tám đời Hùng Vương, Mộng Yến Nguyễn Đạo Quán, Tản Đà Thư Cục, Nhà in Kim Đức Giang, Tonkin, 1923.
Ảnh nguồn:
[1] Ảnh bìa sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập 1, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1998
[2] Giật mình chuyện vua Hùng thọ gần 700 tuổi, Báo Điện Tử Dân Trí